Đăng nhập

Xử lý phân hữu cơ phục vụ sản xuất thanh long an toàn

BT- Hiện nay, khoảng 50 hộ trồng thanh long ở Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam đang sử dụng các chủng nấm Trichoderma để ủ hoai phân chuồng và cành thanh long thải loại. Qua đó, giúp bà con kiểm soát các loại nấm bệnh gây hại cho cây thanh long, tiết kiệm chi phí phân bón…

Đối với người trồng thanh long Bình Thuận, việc xử lý cành thanh long thải loại là vấn đề khá nan giải. Do đó, khi dự án Cạnh tranh nông nghiệp (ACP) Bình Thuận phối hợp với Công ty TNHH Gia Tường (Bình Dương) thực hiện đề tài sử dụng các chủng nấm Trichoderma để xử lý phân chuồng và rác thải (cành thanh long thải loại), đã được nhiều hộ dân tham gia hưởng ứng. Từ tháng 5/2011 đến nay, có khoảng 50 hộ trồng thanh long tại các xã Hàm Kiệm, Hàm Mỹ (Hàm Thuận Nam) và Hàm Liêm, Hàm Hiệp (Hàm Thuận Bắc) tham gia thực hiện mô hình, với diện tích 20 ha. Đại diện Công ty TNHH Gia Tường cho biết, sử dụng phân chuồng và xác bã thanh long đã qua ủ hoai bằng nấm Trichoderma không chỉ giúp người dân tận dụng được nguồn xác bã thanh long thải loại, mà còn giúp cây thanh long tăng cường sức đề kháng với các bệnh do nấm và tuyến trùng gây ra. Cũng theo đại diện công ty này, Trichoderma là nhóm những loài nấm sợi sống hoại sinh. Chúng có mặt trong hầu hết các loại đất và thường chiếm ưu thế trong quần thể vi sinh vật đất. Khi sử dụng để ủ hoai phân chuồng, Trichoderma sẽ sử dụng các chất xơ, chất đạm và tinh bột có trong phân chuồng để sinh trưởng và phát triển; có tác dụng khử mùi hôi của phân chuồng trong quá trình ủ hoai, giúp ức chế các mầm bệnh gây hại cho con người và cây trồng…

Về phía người dân tham gia mô hình, sau khi được tập huấn kỹ thuật và trực tiếp thực hiện, một số bà con chia sẻ, quy trình thực hiện ủ hoai cành thanh long khá đơn giản. Cành thanh long thải loại sẽ được chặt khúc 3 - 5 cm, chất thành đống. Tưới ướt đống phế liệu cành thanh long, trộn đều cành đã chặt khúc với khoáng, phân chuồng. Sau đó trộn đều khoảng 1kg chế phẩm Trichoderma trong 100 lít nước sạch rồi tưới đều lên nguyên liệu (khoảng 2 tấn cành thanh long). Dùng tấm bạt phủ lên đống nguyên liệu để giữ ẩm. Khoảng 7 ngày sau khi ủ đào lên trộn và ủ tiếp đống nguyên liệu khoảng 1 - 2 tuần là hoai mục, thành phân hữu cơ dùng cho các loại cây trồng. Kết quả sau khi bón cho thấy số lượng nấm bệnh trong đất giảm trung bình 62%; cây phát triển tốt hơn trước. Năng suất trung bình của thanh long sau quá trình sử dụng chế phẩm Trichoderma đạt trung bình 32,3 tấn/ha, cao hơn 4,5% so với trước khi sử dụng chế phẩm.

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện dự án, đây được coi là một trong những biện pháp giúp bà con giải quyết vấn đề tận dụng chất thải loại cành thanh long làm phân hữu cơ. Đồng thời, góp phần vào quá trình sản xuất thanh long an toàn và tiết kiệm chi phí đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay với khối lượng cành thanh long thải loại hằng năm nhiều, đòi hỏi người nông dân cần có một lượng đáng kể giống Trichoderma. Chính vì thế, nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã được tập huấn cách nhân giống Trichoderma tại hộ gia đình để giảm chi phí ủ hoai phân…Đây là đề tài được đánh giá rất thiết thực, gần gũi với người trồng thanh long trong tỉnh và được bà con mong muốn nhân rộng…

Theo (Báo Bình Thuận) 

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Cấu hình chữ chạy để sử dụng chức năng này

Phòng Công nghệ sinh học - Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Tiến bộ KHCN Bình Thuận : C1 - Từ văn Tư nối dài - TP. Phan Thiết - Bình Thuận

ĐT: 0623 751 005

Tự tạo website với Webmienphi.vn