BT- Bắc Bình và Tuy phong là hai địa bàn có lượng mưa ít trong năm ,nên thường xảy ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp vào mùa khô. Dù đã được quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi hồ Cà Giây (Bắc Bình), hồ Lòng Sông (Tuy Phong) nhưng chỉ mới đáp ứng diện tích cây lúa. Vì vậy theo quy hoạch của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015, hai huyện này được bố trí tập trung phát triển các loại cây có khả năng chịu hạn như: thanh long, mỳ, bông vải, nho… Ngoài ra trên địa bàn mỗi huyện còn dành một số diện tích đủ điều kiện để sản xuất rau an toàn, hình thành vùng trồng rau chuyên canh. Nhưng cái khó vẫn là thiếu nước…
Trước thực trạng này, Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ KHCN (Sở KH - CN) phối hợp Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đã triển khai dự án thí điểm. Dự án có tên: Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước vào sản xuất nông nghiệp tại huyện Bắc Bình và Tuy Phong tỉnh Bình Thuận. Từ đây, dự án sẽ xây dựng những mô hình mẫu và chuyển giao công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa cho nông dân hai huyện. Quan trọng hơn là từng bước thay đổi nhận thức của bà con trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hạn chế kiểu tưới đại trà gây lãng phí nguồn nước.
Công nghệ tưới tiết kiệm nước đã phổ biến rộng rãi tại Việt Nam và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp. Dù vậy tại Bình Thuận, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến nói trên mới chỉ áp dụng vào các đề tài dưới dạng mô hình, cấp cơ sở ở quy mô nhỏ. Thế nên cơ quan chủ trì triển khai dự án này kỳ vọng đem lại sự đổi thay trên những địa bàn khô hạn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với tổng kinh phí 2.000 triệu đồng (trong đó ngân sách sự nghiệp khoa học Trung ương hỗ trợ 1.300 triệu đồng), dự án sẽ nghiệm thu sau 36 tháng thực hiện…
Đến nay dự án đã triển khai các bước như điều tra khảo sát đánh giá thực trạng trồng thanh long và các loại rau màu tại hai huyện, xúc tiến đào tạo kỹ thuật viên, chọn hộ tham gia xây dựng mô hình ứng dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước. Theo đó có 4 vườn rau (quy mô từ 500 - 1.000 m2), 4 trang trại thanh long (diện tích 0,5 - 1 ha) được lựa chọn và sắp tới sẽ tiến hành chuyển giao công nghệ. Các quy trình được ứng dụng trong dự án gồm: công nghệ kỹ thuật tưới phun mưa cho cây rau màu (cải, xà lách, húng, quế…), công nghệ tưới phun mưa và tưới nhỏ giọt cho cây thanh long… Theo kỹ sư Huỳnh Tấn Phát - Chủ nhiệm dự án các mô hình có thể tiết kiệm được khoảng 30 - 50% lượng nước so cách tưới thông thường. Ngoài ra còn giảm được 1/3 công tưới, 2/3 thời gian tưới trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất rau màu hoặc thanh long. Điều đáng nói nữa là công nghệ tưới tiết kiệm nước cũng hạn chế sâu bệnh và cỏ dại phát triển, giảm thiểu tỷ lệ giập nát, thối rữa cho sản phẩm nông nghiệp. Về lâu dài có thể kết hợp nhiều biện pháp chăm sóc thông qua hệ thống tưới tiết kiệm như: phun thuốc bảo vệ thực vật, tưới phân vi sinh dạng lỏng… để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Dự kiến đến đầu năm 2012, cơ quan chuyển giao công nghệ bắt đầu hướng dẫn xây dựng và lắp đặt các mô hình. Trong quá trình thực hiện, cơ quan chủ trì triển khai dự án sẽ tổ chức hội thảo đầu bờ, giới thiệu mô hình đến người dân tham gia sản xuất nông nghiệp. Sau khi tổng kết và nghiệm thu đánh giá hiệu quả dự án, công nghệ tưới mới này tiếp tục được nhân rộng đến các địa bàn nông thôn miền núi và vùng khô hạn trong tỉnh.
Đ.QUỐC
( Theo Báo Bình Thuận)
Người gửi / điện thoại