BTO- Nói đến đặc sản của Bình Thuận, ngoài hải sản tươi sống thì con dông cát đã được nhiều người biết đến và xem đó là món khoái khẩu không thể thiếu khi đến vùng đất này. Tuy nhiên cho đến nay, con dông vẫn chưa được chọn lựa đưa vào danh sách các sản phẩm lợi thế của địa phương để định hướng phát triển xứng tầm…
Hiện Bình Thuận có 8 sản phẩm lợi thế được xác định là thanh long, cây điều, cao su, muối công nghiệp, nước khoáng Vĩnh Hảo, sản xuất tôm giống, sản phẩm thủy sản và du lịch. Trong năm 2012 này, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch - Đầu tư tổ chức lấy ý kiến để hoàn thành đế án “Phát triển sản phẩm lợi thế trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2012- 2015”. Mới đây, một trong những gợi ý đưa con dông vào danh sách những sản phẩm lợi thế của tỉnh đã được các ngành chức năng quan tâm.
Với khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp, con dông nuôi tại Bình Thuận có điều kiện phát triển tốt trên vùng đất cát và trở thành “cứu tinh” cho nhiều hộ nông dân. Qua theo dõi trong nhiều năm gần đây, giá dông thương phẩm xuất ra thị trường luôn ở mức ổn định với hơn 300.000 đồng/kg, còn dông giống khoảng 450.000 đồng/kg. Hiệu quả kinh tế như thế đã khuyến khích nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô, hình thành mô hình nuôi dông kết hợp thỏ rừng lai… Dù vậy, con dông Bình Thuận hiện mới phát triển tự phát, được người nuôi mày mò xây dựng chuồng trại nuôi thử nghiệm, từng bước kiên cố hóa với diện tích chưa tương xứng. Như tại “cái nôi” Bắc Bình, ban đầu không nhiều người nuôi với vài ha thì chỉ sau thời gian ngắn đã thu hút hơn 200 hộ tham gia trên diện tích khoảng 20 ha. Còn tại TP. Phan Thiết, tuy chưa phổ biến nhưng cũng được hàng chục hộ dân ở các xã Thiện Nghiệp, Tiến Thành quyết định thử thời vận với con dông…
Khảo sát thực tế cho thấy, những hộ dân tham gia nuôi dông với quy mô tương đối có thể cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, có những thời điểm cung không đáp ứng cầu. Chi phí đầu tư không lớn, tận dụng được diện tích hoang hóa và thức ăn dư thừa, đầu ra được đảm bảo với mức giá ổn định là những lợi thế từ nuôi dông… Chính vì vậy mà mới đây, Sở NN & PTNN đã đề xuất đưa con dông vào danh sách những sản phẩm lợi thế của Bình Thuận trong một vài năm tới. Để chuẩn bị điều kiện cần thiết, từ tháng 7/2012 Trung tâm Khuyến nông và Khuyến ngư tỉnh cũng triển khai điều tra hiện trạng, đúc kết, hội thảo nghề nuôi dông thương phẩm. Bước đầu đã chọn các hộ trên địa bàn 18 xã thuộc các địa phương: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và La Gi để tiến hành điều tra. Chuyên viên Phòng Khuyến nông Nguyễn Thành Công cho biết: Do nuôi tự phát là chính, nên trong thời gian tới rất cần các ngành chức năng họp “bàn tròn” về kinh nghiệm nuôi dông hiệu quả, từ đó nhân rộng mô hình.
Có thể nói, con dông đang ngày càng được người nuôi tại Bình Thuận và thị trường trong lẫn ngoài tỉnh quan tâm bởi hiệu quả kinh tế, nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Để xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình, huyện Bắc Bình từng xúc tiến thủ tục, hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký gởi Cục Sở hữu trí tuệ nhằm đưa “Dông Khu Lê” thành thương hiệu riêng có. Trong Lễ hội Khinh khí cầu Quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam (cuối tháng 8- đầu tháng 9/2012), Ban tổ chức cũng chọn con dông Bình Thuận là linh vật… Điều này cho thấy, hình ảnh của con dông địa phương đã được chú trọng quảng bá rộng rãi và dần trở thành sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, để đưa con dông từ đặc sản đến sản phẩm lợi thế của địa phương thì Bình Thuận cần tập trung nghiên cứu, quy hoạch và đầu tư một cách bài bản. Được vậy thì con dông mới có điều kiện phát triển bền vững, xứng đáng trở thành một trong những sản phẩm lợi thế nằm trong top đầu danh sách của Bình Thuận.
Theo Báo Bình Thuận
Người gửi / điện thoại