BT- Có một dạo, nhiều hộ dân địa phương chạy theo mô hình heo rừng lai với khát vọng làm giàu, bởi đây là con nuôi tương đối đơn giản và cho hiệu quả kinh tế cao. Nhưng cách nuôi tự phát theo phong trào đã khiến không ít hộ thất bại thảm hại, hoặc bế tắc đầu ra vì chất lượng heo lai nửa vời… Mới đây, Phòng Kinh tế TP. Phan Thiết kết hợp Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh đã triển khai đề tài liên quan với hy vọng về một mô hình heo lai thành công.
Đề tài có tên: “Xây dựng mô hình nuôi heo rừng lai trên địa bàn xã Phong Nẫm - TP. Phan Thiết” được thực hiện từ đầu năm 2011 tại thôn Xuân Phú, xã Phong Nẫm. Đến nay qua hơn 9 tháng triển khai, đề tài đã đạt kết quả bước đầu theo mục tiêu là xây dựng mô hình phù hợp điều kiện tự nhiên ở địa phương. Đồng thời định hướng cho người dân đa dạng hóa con nuôi, cải thiện nguồn thu nhập, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thành phố và các địa bàn lân cận.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - chủ hộ được đề tài chọn triển khai cho biết: Cách làm của mô hình khác hẳn so người dân nuôi heo rừng lai dạo trước. Cụ thể là không chạy theo số lượng mà coi trọng chất lượng của con heo lai đến khi xuất trại. Theo ông Hòa, mô hình xây dựng trên diện tích khoảng 900 m2 nhưng chỉ nuôi với đàn heo 40 con lớn, nhỏ nhằm tạo ra môi trường “bán hoang dã”. Bên trong, ngoài một nền xi măng có mái che cho heo trú mưa nắng còn có hồ nước để chúng tự do dầm mình lúc thời tiết oi nóng. Nhờ vậy đàn heo lai thỏa mái thể hiện bản năng hay chạy nhảy, đi lang thang kiếm ăn, đào ủi đất, ngủ ngoài trời, kể cả khi đẻ cũng tự nhiên không cần sự can thiệp của con người. Với thức ăn, mô hình hạn chế dùng thức ăn tinh (cám gạo, ngô) mà thay vào đó chủ yếu là các loại rau củ quả, thân chuối, lục bình, ốc hến, trùn đất… Vì heo rừng lai ăn ít chỉ bằng 1/5 heo nhà và không lạm dụng các loại thức ăn tăng trọng nên đối tượng con nuôi này phát triển một cách tự nhiên. Con trưởng thành chỉ nặng 30 - 35 kg, ngược lại cho chất lượng thịt săn chắc, da dày, ít mỡ, lông có 3 chấu thấy rõ và khi chế biến rất thơm ngon.
Tại “Hội thảo đầu bờ” vừa được tổ chức vào cuối tháng 9/2011, ông Nguyễn Đức Trường - Chủ nhiệm đề tài cho hay, mô hình heo lai theo cách này có thể nhân rộng trong dân. Qua đây cũng rút ra những kinh nghiệm để đem lại thành công cho mô hình chủ yếu phụ thuộc hai yếu tố: Con giống và cách nuôi. Với con giống, cần chọn những con có đời lai F4 là thế hệ hoàn hảo nhất và hoàn toàn giống heo rừng thuần chủng nên tập tính sinh hoạt còn hoang dã. Về cách nuôi thì dựa trên kinh nghiệm của mô hình vừa được triển khai tại hộ ông Nguyễn Ngọc Hòa - thôn Xuân Phú, xã Phong Nẫm, TP. Phan Thiết. Tuy nhiên, dù có con giống thuần chủng với sức đề kháng cao nhưng người nuôi cũng chuẩn bị công tác thú y đối với bệnh tiêu chảy, viêm phổi… do thời tiết chuyển mùa. Trong giai đoạn heo sinh sản, nên tìm hiểu thêm kinh nghiệm để cho ra những lứa nhiều con (5 - 8 con) và chú ý thời gian tách mẹ…
Vấn đề người chăn nuôi quan tâm nhất là hiệu quả kinh tế cũng được mô hình tính tới. Hiện hộ ông Nguyễn Ngọc Hòa bán ra thị trường với giá heo hơi dao động từ 120.000 - 125.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí cũng cho thu nhập khoảng 1.000.000 đồng/con. Quan trọng hơn, với chất lượng không khác heo rừng tự nhiên nên người nuôi phần nào đã yên tâm đầu ra. “Tại Phan Thiết, hầu như tháng nào cũng có người đặt vài ba con, còn mối ở Đồng Nai sẵn sàng đánh xe ra bắt hàng nếu xuất đủ 20 con trở lên…” - ông Hòa phấn khởi cho biết.
Theo Báo Bình Thuận
Người gửi / điện thoại