Đăng nhập

Nuôi heo “siêu sướng” ở Đức Linh

BT- Cuối tháng 7 vừa qua, Phòng Kinh tế - Hạ tầng Đức Linh phối hợp Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh đã hội thảo đầu bờ “Kỹ thuật chăn nuôi heo trên đệm lót lên men”. Chỉ với tên thôi, hội thảo đã tạo sự chú ý của những ai đang chăn nuôi heo quy mô hộ gia đình. Tại đây, hộ đầu tiên trên địa bàn Bình Thuận được chọn tham gia thí điểm mô hình đã chia sẻ những điều thú vị và được cho là “siêu sướng” trong quá trình chăn nuôi…

Nuôi không cần vệ sinh

Nghe có vẻ lạ tai vì trước giờ khi nuôi heo, khâu vất vả nhất chính là việc vệ sinh chất thải (phân và nước tiểu), tắm rửa sạch sẽ cho chúng. Nhưng với kỹ thuật chăn nuôi heo trên đệm lót lên men lần đầu tiên thực hiện thí điểm tại hộ Tống Thị Bê - thôn 2, xã Đức Hạnh, huyện Đức Linh thì hoàn toàn không. Một kỹ sư của Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh giải thích: Đó là nhờ áp dụng phương pháp độn lót chuồng có chứa quần thể các vi sinh vật. Do vậy khi nuôi trên đệm lót lên men, phân và nước tiểu của vật nuôi hầu như tự tiêu hủy nên người ta còn gọi là phương pháp chăn nuôi không chất thải.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đệm lót là những chất độn làm nền gồm mùn cưa, vỏ trấu, thân cây bắp, cùi bắp… với độ dày khoảng 50 - 60 cm. Trong đó có trộn chế phẩm vi sinh (BALASA- N01) và tưới dịch men đều khắp bề mặt đệm lót sao cho đảm bảo đủ độ ẩm, đợi vài ngày sau thả heo vào nuôi…Do quần thể các vi sinh vật có thể tồn tại cùng nhau lâu dài trong đệm lót, nhờ vậy chuồng nuôi có khả năng phân giải mạnh chất hữu cơ và ức chế những vi sinh vật gây bệnh. Phương pháp này còn có tác dụng lên men tiêu hủy phân, nước tiểu của đàn heo nên làm giảm các khí độc và mùi hôi trong chuồng nuôi. Từ đây, mô hình chăn nuôi trên đệm lót lên men sẽ tạo ra môi trường sạch giúp con vật sống thoải mái, giảm căng thẳng, tăng sinh trưởng và có sức đề kháng cao…

Thực tế, việc ứng dụng đệm lót lên men thay cho nền bê- tông theo cách nuôi heo truyền thống đã “cho phép” người nuôi không phải dọn chất thải và vệ sinh chuồng. Thêm vào đó, người nuôi không còn tốn công phí sức để tắm rửa cho hàng chục con heo mỗi ngày mà vẫn không lo ô nhiễm môi trường.

Sướng ơi là sướng !

Nuôi theo cách này thì sướng quá đi thôi, đại diện gia đình bà Tống Thị Bê- hộ được chọn tham gia thí điểm mô hình cho biết sau khi kết thúc chu kỳ nuôi 4 tháng rưỡi. Chẳng những không phải bận tâm chuyện vệ sinh chuồng trại và tắm heo hàng ngày, hộ nuôi ở xã Đức Hạnh (Đức Linh) còn được cái “sướng” hơn. Đó là ngay tại khu dân cư đông đúc, người nuôi heo đã yên tâm về chuyện không gây mùi hôi ảnh hưởng môi trường xung quanh. Hôm tham quan mô hình, tất cả những ai có mặt đều không hề khó chịu khi đứng cạnh chuồng. Với kỹ thuật chăn nuôi heo trên đệm lót, chuồng trại cũng hạn chế được ruồi muỗi vì không còn nước đọng (muỗi sinh sản) và phân tự tiêu hủy (không có điều kiện để ruồi đẻ trứng). Sau khi sử dụng cho vài lứa heo, đệm lót lên men còn là nguồn phân vi sinh rất tốt để bón các loại cây trồng, nhất là với cây cao su…

Khi chúng tôi hỏi vui, nuôi theo cách này còn “sướng” thêm gì nữa? Cả kỹ sư theo dõi và hộ tham gia mô hình thí điểm đầu tiên tại Bình Thuận cho rằng: Hiệu quả kinh tế đem lại cũng tạo niềm vui lớn cho người nuôi. Bởi so cách nuôi truyền thống, mô hình áp dụng trên mỗi chuồng rộng khoảng 20m2 với đàn heo 15 con, đến khi xuất chuồng có thể tiết kiệm gần 6 triệu đồng. Số tiền này được tính toán dựa trên việc tiết kiệm 80% nước, 60% nhân lực và 10% thức ăn vì vật nuôi thu nhận thêm một số chất từ đệm lót sinh thái do sự lên men… Như vậy khi tham gia mô hình, người nuôi chỉ tốn công cho thức ăn vào máng tự động và quan sát tình trạng sinh trưởng tự nhiên của đàn heo.

Nhưng chưa hẳn “phương pháp kỳ diệu”

Ông Lê Văn Thọ - Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng Đức Linh (cơ quan chủ trì triển khai đề tài) cho hay: Hiện tại, nuôi heo quy mô hộ gia đình trên địa bàn rất phát triển. Qua mô hình thí điểm, cho thấy kỹ thuật chăn nuôi heo trên đệm lót lên men đã đem lại hiệu quả  cả kinh tế lẫn môi trường. Chính vì vậy, cách nuôi này được nhiều người quan tâm và mong muốn tham gia để tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, lao động nhàn rỗi…

Theo Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh, sau khi thí điểm tại Đức Linh, mô hình này sẽ được triển khai ở các địa bàn Tánh Linh, Hàm Thuận Nam, Phan Thiết… Mặc dù cho thấy những lợi ích nêu trên, nhưng trung tâm vẫn cảnh báo người nuôi heo không nên xem đây là một “phương pháp kỳ diệu”. Vì áp dụng kỹ thuật nào đi nữa thì trong chăn nuôi hiện đại cũng phải tuân thủ đúng, đầy đủ các quy trình vệ sinh phòng bệnh trên đàn gia súc. Chẳng hạn như cần đảm bảo trong vấn đề tiêm vắc- xin phòng bệnh, thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học… nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. Đồng thời ngành chức năng và các địa phương nên khuyến khích nuôi tập trung, dự báo nhu cầu thị trường để đảm bảo đầu ra. Nếu không, dù mô hình có giúp người nuôi “siêu sướng” nhưng vẫn phải chấp nhận rủi ro vì giá cả bấp bênh, bị thương lái ép giá… thì chưa thể gọi là thành công mỹ mãn.

Theo Báo Bình Thuận

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Cấu hình chữ chạy để sử dụng chức năng này

Phòng Công nghệ sinh học - Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Tiến bộ KHCN Bình Thuận : C1 - Từ văn Tư nối dài - TP. Phan Thiết - Bình Thuận

ĐT: 0623 751 005

Tự tạo website với Webmienphi.vn